Phân loại Chính phủ điện tử

Tham gia chính phủ điện tử có 3 thực thể chính bao gồm: chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở khác nhau về nhu cầu của các thực thể tham gia trên, chính phủ điện tử chia thành 4 loại:[2]

Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho người dân (G2C- Government to Citizen)

  • Về cơ bản, G2C là khả năng giao dịch và cung cấp dịch vụ của chính phủ trực tiếp cho người dân như giấy khai sinh, giấy phép lái xe, tư vấn, khiếu nại, giám sát và thanh toán thuế, phục vụ công cộng[3] cũng như hỗ trợ người dân đối với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế, thông tin bệnh viện, thư viện và các dạng dịch vụ khác.
  • Mục tiêu hàng đầu của G2C là làm giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công, đảm bảo sự liên lạc tốt hơn giữa chính phủ với công dân.[4] Từ đó, người dân giảm thiểu thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện một giao dịch.
  • Bằng cách làm cho thông tin công khai dễ tiếp cận hơn thông qua việc thiết lập trang web, G2C tạo điều kiện cho người dân tải xuống các biểu mẫu trực tuyến, truy cập vào các dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi. Điều này tạo cơ hội cải thiện hiệu quả chức năng của chính phủ và giúp chính phủ minh bạch hơn đối với công dân.[2]
  • Với loại G2C, chính phủ điện tử áp dụng hoạt động quản trị quan hệ khách hàng (CRM) trong việc tiếp cận với người dân cũng như tạo mối quan hệ tốt đẹp với họ. Bằng cách quản lý mối quan hệ khách hàng (người dân), doanh nghiệp (chính phủ) có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (người dân).

Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho doanh nghiệp (G2B- Government to Business)

  • G2B tập trung vào các dịch vụ khác nhau được trao đổi giữa Chính phủ và các tổ chức kinh doanh, bao gồm: các chính sách, các quy định và thể chế; truy xuất các thông tin về kinh doanh (quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, đấu thầu, xây dựng, ...), tải các mẫu đơn, gia hạn giấy phép, đăng ký kinh doanh, xin cấp phép và nộp thuế[5].
  • G2B đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh doanh. Nó làm tăng tính công bằng và minh bạch của các dự án, hợp đồng của chính phủ[2]. G2B hỗ trợ việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, hỗ trợ trong quá trình phê duyệt đối với các yêu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy kinh doanh phát triển.
  • Một dịch vụ cấp cao liên quan đến G2B được cung cấp bởi chính phủ điện tử là mua sắm điện tử. Các nhà cung cấp trao đổi trực tuyến với Chính phủ để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ. Một ví dụ điển hình là các website mở và đấu thầu[3]. Việc mua sắm điện tử đảm bảo cho quá trình đấu thầu trở nên minh bạch và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu đối với các dự án mua sắm lớn của Chính phủ. Hệ thống này cũng giúp cho Chính phủ có thể tiết kiệm chi tiêu thông qua việc cắt giảm chi phí cho môi giới trung gian, chi phí hành chính cũng như các hoạt động trung gian khác.

Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho cán bộ công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp (G2E- Government to Employee)

  • G2E là một phần nội bộ của G2G, bao gồm các dịch vụ, giao dịch trong mối quan hệ giữa chính phủ đối với công chức, viên chức.[4]
  • Nó cung cấp cho nhân viên khả năng truy cập thông tin liên quan về chính sách lương thưởng và lợi ích, cơ hội đào tạo và học tập và kiểm tra số dư nghỉ phép và xem xét hồ sơ thanh toán tiền lương một cách dễ dàng và nhanh chóng.
  • G2E là một cách thành công để cung cấp kiến ​​thức điện tử, gắn kết các nhân viên và khuyến khích họ chia sẻ kiến ​​thức. G2E giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với những lĩnh vực đầy thách thức và sự thay đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ thông tin và truyền thông.[5]

Dịch vụ chính phủ điện tử trao đổi giữa cơ quan trong Chính phủ với nhau và giữa các Chính phủ (G2G- Government to Government)

  • G2G đề cập đến sự tương tác, phối hợp và cung cấp các dịch vụ một cách có hiệu quả giữa các cấp, ngành, tổ chức, bộ máy Nhà nước và các cơ quan chính phủ trong việc điều hành và quản lý nhà nước.[4] Nó cung cấp thông tin liên quan đến chính sách bồi thường, lợi ích, cơ hội đào tạo học tập và luật dân quyền theo cách dễ tiếp cận.
  • Giao dịch của G2G được thực hiện trên hai cấp chính, bao gồm G2G cấp nội bộ và G2G ở cấp quốc tế.[5] G2G cấp nội bộ là các giao dịch giữa Chính phủ với các chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan. G2G cấp quốc tế là các giao dịch giữa các Chính phủ. Bằng cách giao tiếp và hợp tác trực tuyến, các cơ quan chính phủ có thể làm việc cùng nhau, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài nguyên chung cho tất cả các quốc gia thành viên. G2G được xem là công cụ giúp tăng cường ngoại giao và các mối quan hệ quốc tế.[3]
  • Mục đích quan trọng của phát triển G2G là tăng cường và cải thiện quy trình tổ chức liên chính phủ. Việc sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ khác nhau để chia sẻ hoặc tập trung hóa thông tin, hợp lý hóa các quy trình kinh doanh liên chính phủ có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính phủ điện tử http://www.luanvan.co/luan-van/chinh-phu-dien-tu-o... http://www.kafleg.com.np/difference-between-e-gove... http://dic.gov.vn/vi/news/Tin-tong-hop/Chinh-phu-d... http://tapchimattran.vn/thuc-tien/chinh-phu-dien-t... http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/viet-nam-... https://www.e-spincorp.com/barriers-of-e-governmen... https://www.e-spincorp.com/definition-and-type-of-... https://www.e-spincorp.com/the-advantages-and-disa... https://sites.google.com/site/web20vachinhphudient... https://sites.google.com/site/web20vachinhphudient...